Vì sao mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước?

Thông tin Quốc hội đã chính thức thông qua đổi căn cước công dân thành căn cước, thu thập cả mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước được người dân cả nước quan tâm.

Vì sao mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước?
Vì sao mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước?

Vậy mống mắt là gì, liệu chúng có thay đổi theo thời gian, tại sao phải thu thập thêm mống mắt vào dữ liệu căn cước mới?

Mống mắt mỗi người hoàn toàn khác nhau, là độc nhất

Trong Luật Căn cước mới vừa được Quốc hội thông qua đã nêu rõ thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…

Mống mắt là một trong những thông tin sinh trắc học phục vụ cho dữ liệu căn cước mới được nhiều người quan tâm. Có người cho rằng việc thu thập mống mắt là quan trọng, đặc biệt hỗ trợ người không thu nhận được vân tay như khuyết tật hay vân tay bị biến dạng. Cũng có nhiều người thấy rằng chưa cần thiết, gây phức tạp.

Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu – phó khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) – cho hay mống mắt là một cấu trúc mỏng, hình tròn nằm trong mắt, có công dụng điều chỉnh đường kính và kích cỡ của đồng tử. Màu mắt được quyết định bởi màu của mống mắt, thường là xanh lam hoặc nâu.

Mống mắt bao gồm hai lớp: lớp mạch sợi có sắc tố ở phía trước và lớp tế bào biểu mô chứa sắc tố ở phía dưới. Hình dạng của mống mắt khi khám trên sinh hiển vi sẽ có các sợi, các hốc, các thớ cơ, sắp xếp hoàn toàn khác nhau, tương tự như dấu vân tay.

Khi phân tích qua máy quét chuyên dụng, mống mắt ở mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau, là duy nhất, kể cả anh chị em sinh đôi. Việc mống mắt giống nhau là rất hiếm có thể xảy ra.

Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Huy – khoa mắt Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cũng cho biết mống mắt là phần tạo nên màu sắc của tròng mắt. Ở người châu Á hay Việt Nam thường có màu nâu hoặc đen, còn một số người phương Tây có màu xanh. Mống mắt ở mỗi người là duy nhất, tương tự như dấu vân tay.

Không thay đổi theo tuổi tác, thời gian

Bác sĩ Liễu cho biết thêm trong y khoa, mống mắt thường không thay đổi theo thời gian trừ chấn thương mắt; xuất huyết nội nhãn; phù viêm do viêm màng bồ đào, viêm mống mắt; viêm mống mắt dị sắc; Glaucoma có dùng thuốc tra nhỏ kéo dài; u lành và ác của mống mắt; bệnh đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc…

Mống mắt sẽ định danh được mỗi cá nhân. Tuy nhiên với những nhóm người có thể bị thay đổi hình dạng và màu sắc mống mắt như nêu trên, có thể tích hợp thêm dấu vân tay, các dấu hiệu đặc trưng khác trên cơ thể.

“Khi máy quét chiếu vào mắt, máy tính sẽ xác định các vị trí gồm đồng tử, mống mắt, lông mi, mí mắt. Mống mắt là thông tin sinh trắc học được nhận dạng nhanh nhất và đúng nhất, nếu chúng không bị thay đổi.

Nhưng chỉ riêng mống mắt không thể định danh cá nhân một cách chính xác và đầy đủ, mà cần tích hợp thêm vân tay, vết sẹo trên cơ thể, nhiều yếu tố khác để nhận dạng”, bác sĩ Liễu nói và cho rằng việc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết, khả thi.

Tương tự, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng – khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), mống mắt của mỗi người là độc nhất, giống như dấu vân tay. Mống mắt không thay đổi nhiều theo thời gian, chỉ một số trường hợp khiến mống mắt thay đổi như gặp chấn thương ở mắt, bị nhiễm đồng…

Dưới góc nhìn y khoa, bác sĩ Nguyễn Đức Huy cho rằng mống mắt sẽ cung cấp thêm các thông tin sinh trắc học định danh cho từng cá nhân, phục vụ làm thẻ căn cước theo luật mới.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho hay hiện đã có nhiều quốc gia trên thế giới dùng mống mắt làm căn cước công dân. Để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt phải dùng công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt). Công nghệ này sẽ sử dụng thuật toán, hình ảnh và hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.

Nguồn: Internet online

Có thể bạn quan tâm:

Dịch Vụ Làm Căn Cước Công Dân Gắn Chip Nhanh

5/5 - (1 bình chọn)